In trang

Để con bạn có trí nhớ tốt khi học bài.
Cập nhật lúc : 17:38 21/09/2014

Hôm nay con bạn đã học bài rất kỹ, học đi học lại nhiều lần nhưng ngày mai khi lên lớp vẫn bị điểm kém và cô giáo phê vào vở “em chưa thuộc bài”.

  Hôm nay con bạn đã học bài rất kỹ, học đi học lại nhiều lần nhưng ngày mai khi lên lớp vẫn bị điểm kém và cô giáo phê vào vở “em chưa thuộc bài”. Đã nhiều lần như thế và mặc dù rất cố gắng và chịu khó học mà con bạn vẫn không có tiến bộ hơn. Những lúc như thế, bạn không nên tỏ ra quá lo lắng mà phải giúp con bạn có trí nhớ tốt hơn. Trước tiên, con bạn cần phải có một góc học tập yên tĩnh, tốt nhất là ở trong phòng riêng. Khi đó, con bạn có thể tập trung suy nghĩ vào bài học hơn và không bị phân tán tư tưởng bởi những yếu tố khách quan bên ngoài và bạn nên:

Hướng vào mục đích rõ ràng

Trong trí óc của trẻ luôn luôn tồn tại 2 ngăn trí nhớ riêng biệt: một ngăn là trí nhớ tức thời, là nơi mà tất cả các thông tin được thu thập và chỉ được giữ lại trong vòng 5 phút, sau đó quên ngay. Ngăn còn lại là ngăn trí nhớ lâu dài, là nơi mà các thông tin được thu thập và giữ lại lâu hơn, thậm chí theo bé suốt cuộc đời.

Thông tin được giữ lại trong khoảng thời gian dài nếu như trẻ biết rằng sẽ cần phải sử dụng đến và trẻ biết việc tích lũy các kiến thức ngày hôm nay sẽ rất có ích cho cuộc sống trong tương lai.

Ví dụ như khi học bảng nhân chia, bạn nên thường xuyên nói với bé: Nếu con thuộc hết các quy tắc cộng, trừ, nhân, chia sẽ giúp con tự tính toán tiền khi muốn mua một cái gì đó. Hay khi học tiếng Anh, bạn nói với con bạn: Để có thể tham gia vào trò chơi nào đó, điều quan trọng là con phải hiểu được quy tắc của trò chơi đó được viết bằng tiếng Anh.

Đôi khi bài học không có tác dụng trực tiếp như môn lịch sử, để con bạn có thể nhớ lâu và không bị mất phương hướng, bạn nên phán đoán các câu hỏi mà cô giáo sẽ đưa ra ngày hôm sau. Khi trẻ biết được cần phải trả lời những gì cho ngày hôm sau thì mọi thông tin cần thiết sẽ được giữ lại trong trí nhớ có logic hơn, liền mạch hơn và lâu dài hơn.


Dạy trẻ bằng phương pháp so sánh

Trí nhớ hoạt động trước tiên là thu thập thông tin, sau đó gắn kết các thông tin lại với nhau. Muốn giữ lại thông tin một cách tốt hơn, có hiệu quả hơn và trong thời gian dài hơn thì điều quan trọng là trí nhớ của trẻ phải biết gắn kết liền mạch, logic các thông tin lại với nhau và trẻ biết so sánh giữa cái cũ với cái mới. Các thông tin mới nhận được phải được đặt vào mối quan hệ với các thông tin cũ. Các thông tin mới có thể bổ sung, loại bỏ hay phủ định, khẳng định lại các thông tin cũ.

Để giúp trẻ nhớ lâu, bạn nên thường xuyên làm phép so sánh giữa cái mới mà trẻ cần phải nhớ với cái mà trẻ đã biết.

Dạy trẻ học bằng phương pháp nhắc lại

Kinh nghiệm cho thấy rằng người ta sẽ nhanh chóng quên 50% các thông tin thu nhận được chỉ trong nửa giờ đầu, 80% thông tin còn lại bị quên dần từ ngày này sang ngày khác. Nhưng các thông tin này được giữ lại lâu hơn nếu như được nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ ngày này sang ngày khác.

Khi con bạn phải học thuộc bảng nhân chia, bạn nên yêu cầu nhắc lại sau khi trẻ đã học thuộc khoảng 10 phút sau đó, tiếp đó là lúc trước khi đi ngủ và buổi sáng trước khi con bạn đến trường. Bạn nhắc nhở với trẻ rằng bạn cũng sẽ kiểm tra lại bảng nhân chia này vào ngày hôm sau hoặc sau 2 ngày và trước khi con bạn có bài kiểm tra môn toán. Bạn cũng có thể dạy con bạn bằng cách mỗi khi học một bài mới, bạn nên hỏi lại con bạn những kiến thức có liên quan đến bài học từ hôm trước.

Tìm các từ có thể đi ngay vào trí nhớ: đó là các từ gây ấn tượng mạnh cho trẻ. Chúng không được ghi vào trong vở học nhưng lần sau mỗi khi nhắc đến bài đó chúng lập tức sẽ nhớ ngay đến các từ ấy và liên tưởng lại được bài học.